Gia Lai – Vùng đất đại ngàn hùng vĩ, cuốn hút du khách khắp nơi không chỉ bởi không khí tuyệt vời vùng sơn cước mà còn bởi văn hóa ẩm thực khác lạ, đậm chất Tây Nguyên hoang dã. Nếu có dịp tới đây đừng quên thưởng thức những món ăn ngon, hấp dẫn mà chỉ riêng nơi đây có.
Bún mắm cua
Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men nhưng khi đã thử rồi thì nó trở thành món ăn không thể nào quên được. Để có một bát bún mắm cua ngon, người làm cũng hết sức kỳ công mới chế biến ra được món ăn này.
Bún mắm cua Gia Lai. Ảnh minh họa: petrotimes.vn
Nguyên liệu để tạo ra món bún mắm cua rất đa dạng: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm…Tất cả hòa với nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.
Đối với những người dân Gia Lai thì món ăn này là một trong những thứ được nhớ đến nhiều nhất mỗi khi nghĩ về phố núi thân thương của mình.
Phở khô
Phở khô Gia Lai hay còn có tên gọi là phở hai tô (nguyên nhân là từ cách bày trên hai tô). Món ăn này được trình bày gồm một tô chứa bánh phở, một tô là nước dùng, rồi kèm thêm đĩa rau và vài chén nước chấm.
Phở khô hai tô. Ảnh minh họa: petrotimes.vn
Phở khô Gia Lai dùng sợi phở tròn mảnh chứ không mềm và dẹt như phở thông thường. Sợi phở khô mảnh như sợi hủ tiếu nhưng khi ăn lại cho cảm giác khác biệt rõ rệt nên đòi hỏi người nấu phải trụng một cách có tay nghề, nếu không dễ làm bánh nhũn ra và ăn bị ngán.
Bánh phở có vị dẻo dai, khi trụng vào nước sôi phở không bị mềm, nát. Tô phở được dọn ra với lớp bánh phở trắng ở dưới, bên trên là một lớp thịt gà hoặc thịt lợn băm đã được xào thơm cùng với hành phi tóp mỡ rưới lên trên.
Tô nước dùng thì trông có vẻ đơn giản hơn nhưng cách nấu lại khá cầu kỳ. Ngoài phần bò viên và thịt bò tái được cho vào sau cùng, nước lèo của phở khô Gia Lai phải được ninh từ xương ống, gân bò ninh trong vòng 7 tiếng đồng hồ để nước dùng đủ độ đậm đà và thanh ngọt.
Nói về phở khô Gia Lai, các tín đồ ẩm thực cho rằng đó là sự kết hợp hoàn hảo của thịt heo với thịt bò hoặc thịt gà. Đây là sự kết hợp hiếm gặp trong ẩm thực Việt Nam.
Tương đen là món ăn kèm không thể thiếu của món phở khô Gia Lai, giúp cho món ăn thêm tuyệt vị, gắp một miếng phở, chan thêm chút tương đen, một chút rau thơm và ăn miếng thịt thêm chút hành phi bạn sẽ cảm nhận được hết vị ngon của món phở khô, vừa béo bùi vừa thơm ngậy.
Bò một nắng
Bò một nắng là món ăn truyền thống của đồng bào Gia Lai huyện Krôngpa từ xưa. Bò Gia Lai được nuôi và chăn thả tự do trên các cánh rừng chính vì thế mà thịt bò ở đây rất ngọt và thơm ngon. Cách làm bò một nắng được làm hoàn toàn thủ công theo phương pháp truyền thống để giữ gìn hương vị độc đáo của món ăn.
Bò một nắng. Ảnh minh họa: petrotimes.vn
Bò sau khi mổ sẽ chọn những miếng thịt thăn, miếng thịt bắp tươi ngon nhất để chế biến món thịt bò khô một nắng. Thịt bò phải được đem đi chế biến luôn vì để lâu thịt sẽ bị ôi và không còn độ tươi ngon như trước. Thịt bò rửa sạch, thái thành những lát hình chữ nhật dài 15cm, dầy 2cm, được đem ướp với ớt xay, hành, nước mắm, muối… trong vòng 15 phút để thịt ngấm đều gia vị sau đó đem đi phơi nắng. Hôm nào trời quang, chỉ cần phơi một nắng là được, nếu nắng yếu hoặc trời mưa thì sấy bằng lò than. Sau khi phơi nắng hoặc sấy thì cứ một ký thịt còn khoảng 700–800g.
Khi mang ra sử dụng bạn phải nướng thịt bò trên than hồng. Thịt khi chín có mùi thơm mà chỉ cần ngửi thôi cũng đủ thấy thèm. Còn gì tuyệt hơn vào những ngày mưa gió nhâm nhi một đĩa thịt bò một nắng cùng chén rượu.
Muối kiến vàng
Muối kiến vàng. Ảnh minh họa: petrotimes.vn
Loại muối độc nhất vô nhị – món ngon Gia Lai, làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) có thể khiến nhiều người lắc đầu nguầy nguậy nhưng thực sự món này rất ngon chỉ cần nếm thử một lần cũng có thể gây thương nhớ cho bất cứ ai đã từng thử qua.
Để làm món này, người dân phải đi tìm bắt kiến vàng, loài sống sâu trong rừng. Kiến sẽ được rang qua trên lửa cho chín tái rồi giã nhỏ cùng với muối hạt to, ớt thật cay, một chút hành phi khô và cộng thêm một số loại lá cây rừng… Vị mặn riêng của kiến cùng với axit trong bụng chúng chua chua như muối và chanh kết hợp cái cay ớt, hăng hăng của thân kiến và vị của các loại lá lạ, rất cuốn hút.
Tổng hợp: Đam San Store Theo: Vân Anh | Petrotimes
Tags: ĐẶC SẢN GIA LAI ĐẠI NGÀN PHỞ KHÔ BÚN MẮM CUA BÒ MỘT NẮNG MUỐI KIẾN VÀNG
Viết Bình Luận